Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ Giấc mơ không nơi cư trú của Tuấn Anh - hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, Đây là tập thơ thứ hai của tác giả sau tập Ô cửa tháng giêng (2005). Dường như không phải ngẫu nhiên mà Tuấn Anh chọn một tựa đề như thế, bởi cả 26 bài trong tập đều mang đến cho người đọc cảm giác sâu lắng lạ lùng, lại vừa nặng trĩu suy tư, như thể đang đi qua những giấc mơ của chính tác giả vậy.
Tuấn Anh có duyên với thể thơ tự do. Ít thấy anh sử dụng thể lục bát hay ngũ ngôn… Không vì thế mà người đọc cảm thấy nhàm chán. Tác giả đã dụng công về câu chữ, khiến sự vật xung quanh tưởng chừng bình thường, đơn giản nhưng lại sinh động đến lạ kì.
Sẽ không dễ dàng để đọc liền một mạch cả tập thơ này, vì tác giả khéo đan xen lí tính và cảm tính, buộc người đọc phải cảm thụ theo từng lớp nghĩa, nơi mà lí tính trong thơ anh chiếm lĩnh đến mức dù cảm xúc đã dâng đến tột cùng mà nhà thơ vẫn không hề vội vàng, cứ để từng câu, từng chữ nhấn nhá, bình thản nối theo nhau: Ngày thì ngắn/ Chiều sao dài/ Thôi cứ kệ chiều cũng về thơi thả, nhưng có khi sự thức tỉnh bản ngã trong anh trỗi dậy: Bản ngã của tôi vạch một con đường/ Chạm vào cây thánh giá đánh dấu . (Tử vi)
Có thể thấy cái tôi của nhà thơ hiện diện trên từng con chữ mà hoàn toàn không bị cảm xúc chi phối, dẫn dụ đi. Tuy vậy, tâm hồn thi sĩ lại tinh tế nhường nào, khi nắm bắt đời sống hỗn tạp thường ngày đang diễn ra như vòng quay bất tận của cuộc đời, của số phận mỗi con người. Cũng có thể bắt gặp một cách nhìn mới mẻ của nhà thơ, với những ngôn từ diễn tả ít nhiều mang tính triết học: Cần phải lắng nghe mới hiểu mọi điều/ Cần phải làm mới tìm ra lẽ phải/ Muốn làm người /Còn học cách hy sinh. (Ghét)
Phải chăng Tuấn Anh đã đủ thấm thía khi cảm nhận cuộc sống, với những căn nguyên và hệ lụy của nó, với những mỏi mệt tầm thường và với cả những gì thất vọng khiến con người dễ hoài nghi vô định. Không khó bắt gặp những câu hỏi trong thơ anh, nhưng hỏi để mà khẳng định, hoặc hỏi chỉ là để buông lơi như một tiếng thở dài khe khẽ mà không cần câu trả lời cụ thể: Chẳng lẽ trong mơ cũng có cửa. Hư vô ơi biết mở chốt nào?, Thì cứ dừng lại ta sẽ chậm chạp/ Bài học đầu đời chẳng phải là sẻ chia; Những sắc màu ta không muốn gặp nữa/ Sao còn về đây.
Dù tác giả có vẻ lí trí là thế, sẵn sàng đối diện với thực tại là thế, nhưng đằng sau những câu chữ đó, vẫn có thể nhận ra một hồn thơ trữ tình nhạy cảm. Có không ít những câu thơ đẹp, mượt mà, hoài niệm và khơi gợi cảm xúc cho người đọc, như: Rụng một trái vàng cuối nắng/ Chạng vạng chiều lững thững rơi . Hay Trót nở ra vào cuối tháng/ Những bông hoa lim dim tối ngắt/ Làm gì còn đường quay về…
Có tới ba bài thơ Tuấn Anh viết về Hà Nội, về quán cà phê Hàng Hành anh đã ghé chân, về sự bình tâm lắng lại trước hồ Gươm xanh trong với nỗi niềm sâu lắng của du khách từ xa tìm đến: Hồ Gươm vòng tròn Hồ Gươm quanh quanh/ Cứ nhẹ nhàng không nắng lửa thiêu đốt/Gió từ cây sung già vẫn gọi/Trèo qua khuôn mặt mình lạnh như băng. ( Hai giờ ở hồ Gươm)
Công việc hàng ngày gắn bó với thiên nhiên nên Tuấn Anh như có thể lắng nghe được tiếng nói của từng loài cây, từng con vật nhỏ bé gần gũi quanh mình một cách tinh tế:
Con cánh cam lại ngủ
Ngủ rồi thì trời bơ vơ/
Chiếc lá non thừa không ai tranh giành…
Tuấn Anh ít viết về tình yêu đôi lứa, nhưng thấp thoáng đâu đây vẫn ẩn giấu gương mặt của người đàn bà nào đó xuất hiện trong những câu thơ đầy nuối tiếc: Bật đèn lên cho đêm vui/ Khuôn mặt em đâu còn dịu dàng nữa; Trên đường sấu buồn / Em thành người khác. Dễ bắt gặp cảm giác hụt hẫng của tác giả, một chút ngậm ngùi, và nỗi cô đơn dàn trải khi đối diện với chính mình. Dường như nhà thơ đang đi tìm điều gì đó giữa cuộc đời này, một sự tròn trịa đong đầy, một hạnh phúc viên mãn, nhưng đôi lúc anh lại nhận ra đó chỉ là mơ ước, như những giấc mơ không có chốn dừng chân, nên những giấc mơ ấy sẽ còn nối tiếp mãi .
Sự độc đáo trong thơ Tuấn Anh có lẽ là chỗ anh đã làm mới câu chữ với xúc cảm chân thật của mình. Tác giả đã biến những cảm nhận tinh tế từng hơi thở cuộc sống đang diễn ra từng giờ từng phút thành những nghĩ suy, chiêm nghiệm, để mỗi bạn đọc khi đón nhận tập thơ này đều không thể không ngẫm ngợi
CẤN VÂN KHÁNH
CẤN VÂN KHÁNH