Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

TUẤN ANH ĐI TÌM GIẤC MƠ KHÔNG NƠI CƯ TRÚ

altNhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ Giấc mơ không nơi cư trú của Tuấn Anh - hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, Đây là tập thơ thứ hai của tác giả sau tập Ô cửa tháng giêng (2005). Dường như không phải ngẫu nhiên mà Tuấn Anh chọn một tựa đề như thế, bởi cả 26 bài trong tập đều mang đến cho người đọc cảm giác sâu lắng lạ lùng, lại vừa nặng trĩu suy tư, như  thể đang đi qua những giấc mơ của chính tác giả vậy.
Tuấn Anh có duyên với thể thơ tự do. Ít thấy anh sử dụng thể lục bát hay ngũ ngôn… Không vì thế mà người đọc cảm thấy nhàm chán. Tác giả đã dụng công về câu chữ, khiến sự vật xung quanh tưởng chừng bình thường, đơn giản nhưng  lại sinh động đến lạ kì.
Sẽ không dễ dàng để đọc liền một mạch cả tập thơ này, vì tác giả khéo đan xen lí tính và cảm tính, buộc người đọc phải cảm thụ theo từng lớp nghĩa, nơi mà lí tính trong thơ anh chiếm lĩnh đến mức dù cảm xúc đã dâng đến tột cùng mà nhà thơ vẫn không hề vội vàng, cứ để từng câu, từng chữ nhấn nhá, bình thản nối theo nhau: Ngày thì ngắn/ Chiều sao dài/ Thôi cứ kệ chiều cũng về thơi thả, nhưng có khi sự thức tỉnh bản ngã trong anh trỗi dậy: Bản ngã  của tôi vạch một con đường/ Chạm vào cây thánh giá đánh dấu . (Tử vi)
Có thể thấy cái tôi của nhà thơ hiện diện trên từng con chữ mà hoàn toàn không bị cảm xúc chi phối, dẫn dụ đi. Tuy vậy, tâm hồn thi sĩ lại tinh tế nhường nào, khi nắm bắt đời sống hỗn tạp thường ngày đang diễn ra như vòng quay bất tận của cuộc đời, của số phận mỗi con người. Cũng có thể bắt gặp một cách nhìn mới mẻ của nhà thơ, với những ngôn từ diễn tả ít nhiều mang tính triết học: Cần phải lắng nghe mới hiểu mọi điều/ Cần phải làm mới tìm ra lẽ phải/ Muốn làm người /Còn học cách hy sinh. (Ghét)
Phải chăng Tuấn Anh đã đủ thấm thía khi cảm nhận cuộc sống, với những căn nguyên và hệ lụy của nó, với những mỏi mệt tầm thường và với cả những gì thất vọng khiến con người dễ hoài nghi vô định. Không khó bắt gặp những câu hỏi trong thơ anh, nhưng hỏi để mà khẳng định, hoặc hỏi chỉ là để buông lơi như một tiếng thở dài khe khẽ mà không cần câu trả lời cụ thể: Chẳng lẽ trong mơ cũng có cửa. Hư vô ơi biết mở chốt nào?, Thì cứ dừng lại ta sẽ chậm chạp/ Bài học đầu đời  chẳng phải là sẻ chia; Những sắc màu ta không muốn gặp nữa/ Sao còn về đây.
Dù tác giả có vẻ lí trí là thế, sẵn sàng đối diện với thực tại là thế, nhưng đằng sau những câu chữ đó, vẫn có thể nhận ra một hồn thơ trữ tình nhạy cảm. Có không ít những câu thơ đẹp, mượt mà, hoài niệm và khơi gợi cảm xúc cho người đọc, như: Rụng một trái vàng cuối nắng/ Chạng vạng chiều lững thững rơi . Hay Trót nở ra vào cuối tháng/ Những bông hoa lim dim tối ngắt/ Làm gì còn đường quay về…
Có tới ba bài thơ Tuấn Anh viết về Hà Nội, về quán cà phê Hàng Hành anh đã ghé chân, về sự bình tâm lắng lại trước hồ Gươm xanh trong với nỗi niềm sâu lắng của du khách từ xa tìm đến: Hồ Gươm vòng tròn Hồ Gươm quanh quanh/ Cứ nhẹ nhàng không nắng lửa thiêu đốt/Gió từ cây sung già vẫn gọi/Trèo qua khuôn mặt mình lạnh như băng. ( Hai giờ ở hồ Gươm)
Công việc hàng ngày gắn bó với thiên nhiên nên Tuấn Anh như có thể lắng nghe được tiếng nói của từng loài cây, từng con vật nhỏ bé gần gũi quanh mình một cách tinh tế:
Con cánh cam lại ngủ
Ngủ rồi thì trời bơ vơ/
Chiếc lá non thừa không ai tranh giành…
Tuấn Anh ít viết về tình yêu đôi lứa, nhưng thấp thoáng đâu đây vẫn ẩn giấu gương mặt của người đàn bà nào đó xuất hiện trong những câu thơ đầy nuối tiếc: Bật đèn lên cho đêm vui/ Khuôn mặt em đâu còn dịu dàng nữa; Trên đường sấu buồn / Em thành người khác. Dễ bắt gặp cảm giác hụt hẫng của tác giả, một chút ngậm ngùi, và nỗi cô đơn dàn trải khi đối diện với chính mình. Dường như nhà thơ đang đi tìm điều gì đó giữa cuộc đời này, một sự tròn trịa đong đầy, một hạnh phúc viên mãn, nhưng đôi lúc anh lại nhận ra đó chỉ là mơ ước, như những giấc mơ không có chốn dừng chân, nên những giấc mơ ấy sẽ còn nối tiếp mãi .
Sự độc đáo trong thơ Tuấn Anh có lẽ là chỗ anh đã làm mới câu chữ với xúc cảm chân thật của mình. Tác giả đã biến những cảm nhận tinh tế từng hơi thở cuộc sống đang diễn ra từng giờ từng phút thành những nghĩ suy, chiêm nghiệm, để mỗi bạn đọc khi đón nhận tập thơ này đều không thể không ngẫm ngợi

CẤN VÂN KHÁNH
   

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

NHỮNG BÀI THƠ ĐÊM

1.
Tiếng chim quẹt vào trời cao
Vỡ giấc mơ non hoang tưởng
Mình trở lại mình
Đêm chỉ mỗi gió đi.

2.
Xuân lõm bõm trên cây cầu phía sau nhà mình
Bàn thờ đói, con xin lỗi tổ tiên
Thắp nén nhang cho hứng khởi
Giao thừa đỡ tật nguyền.

3.
Hát lên cho đỡ buồn
Những ca từ sưởi ấm giấc mơ
Mình cũng như mọi người
Đêm ri rỉ niềm vui.

4.
Nằm nghe mùa đông thở
Già nua những thang giường bệnh tật
Đêm run run những ngón tay
Bấu vội tim mình.

5.
Giấc mơ cụt
Không có cánh để bay lên trời
Và trời cũng không có mắt
Có nhìn được tay mình đâu.

6.
Cởi áo
Hoa bay về phơ phất
Nào, liệng vài vòng cho đỡ nhớ
Đêm với ta vẫn còn chỗ hẹn mà.

7.
Xoè bàn tay
Mong ánh trăng đêm lảng bảng
Mong giấc mơ quá cố
Để tôi về tiễn đưa.

8.
Hãy cút đi bóng đêm
Những giấc mơ lặng im
Giấc mơ câm như hến
Giấc mơ chẳng biết muốn gì.

9.
Trái tim tôi có mọt
Nửa đêm chúng cắn nhoi nhói
Con mọt nghiện
Bệnh lâm sàng

10.
Lảng vảng những cánh đêm đen nhẫy
Rõ ràng chiều vẫn nhìn rõ mặt người
Những giấc mơ mùa hè đã vứt bỏ
Sao còn về đây ăn xin.

TUẤN ANH

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

VIẾT CHO CON GÁI

                                           Tặng con Vân Anh

Bố xa nhà con hơn một tuổi
Con chưa hiểu thế nào là xa xôi
Áp lên vai bố cái hôn thật khẽ
Hơn một tuổi con biết đâu là dâu bể
Những cái hôn chạy qua tiếng gió
Những cái hôn chẳng biết ngọn nguồn

Chiếc váy đầm con. ít tiền thôi, bố có thể
Tiền nhiều để làm gì nếu không phải cho con
Tiền nhiều mua mắm mua dưa
Tiền ít đong gạo đong muối
Matxcơva những năm tháng khó nói
Tiền của người tiền lại trả người ơi.

Định luật cuộc đời có trốn chạy được không
Văn minh thế mà vẫn dùng rổ rá
Rổ rá đẹp có khi lại cao giá
Chiếc đĩa sành men bớt lên ngôi.

Con cứ đợi mùa xuân, mùa xuân trôi
(Vì bố hẹn rồi xuân sẽ trở lại)
Được hí hửng lon ton quanh bố
Chiếc kẹo cao su rẻ tiền ngoài đường bố mang về với con là vô giá
Mùa xuân ấy -Mùa xuân đầu tiên

Điiều con cần là tình thương
Là ngọt ngào của bố
Tình thương bố tìm ở đâu được
Có ai cho ai san sẻ ai nào?

 Không có đồ chơi con dùng đồ hàng
Những lá lẻo vườn nhà đưa con sang tuổi mười tám
Ơi đồ chơi chỉ là đồ chơi thôi
Những đồ chơi chẳng có tâm hồn

Bố là gì khái niệm phôi pha
Khi hi vọng trở về vô vọng
Khái niệm ơi khái niệm nào có nghĩa
Nghĩa thế nào cũng bởi tại mình thôi.

TUẤN ANH

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

LÀM VỢ

        Lưa thưa đêm. Vài ngọn sao le lói. Tháng tám mây mù rơi đầy đôi mắt đêm nay. Định mệnh.
        Nụ hôn anh xuất hiện. Bữa tiệc tan, đèn tắt em từ giờ mãi mãi thuộc về anh
        Một lời nói chia đôi, một bàn tay xoa nửa, không dám đi hết một con đường sợ tận cùng quên chân, buộc quay trở lai 180, trở về nơi xuất phát.
        Mơ một ngày sẽ ăn quả ngọt, em đang sống cho em trong vương niệm "vợ hiền".
        Khắc khoải lòng trộn một ít ô mai, bọt bia và khói thuốc. Em tập quen dần cả bước đi trên nền gạch hoa xám không đều, nơi dấu chân từng lặng im.
         Cũng đành quen thôi, nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Vẫn biết là bình đẳng nhưng ai nỡ bỏ đi từ "nết na" quí hiếm.
         Việc soi gương là của đàn bà, em cũng vậy thôi, thường hơi lâu...Em soi cho em và hình như cũng cho anh đấy.

TUẤN ANH.

DÃ NGOẠI

Qua ngày
Mồ hôi loang vạt áo
Nơi đến còn mờ ảo
Nơi bắt đầu tít tắp xa

Con đường hoang vắng qua
Bàn chân bớt lạnh chập chờn
Niềm vui ran ve áo
Có lẽ chừng ban mai

Giấu đi tiếng thở dài
Xóa những vệt ngày nhem nhuốc
Bàn tay trĩu nặng phía trước
Ngày sang

TUẤN ANH